Trẻ mọc răng và thay răng quá sớm

"Con tôi mới 4 tháng tuổi đã bắt đầu mọc 4 răng; 4 tuổi rưỡi lại thay 2 răng cửa, nay 5 tuổi thì đã thay 5 răng. Cháu mọc và thay răng như vậy có quá sớm không. Khi thay răng cần đưa cháu đến nha sĩ hay có thể tự nhổ tại nhà?".
Trả lời:

Trình tự mọc răng của con bạn là sớm so với lịch chung. Tuy nhiên, để kết luận điều này có bình thường hay không, cần căn cứ vào tình trạng dinh dưỡng của trẻ và một số đặc tính của răng. Nếu màu sắc, vị trí, kích thước, hình dạng bình thường thì việc mọc răng sớm (hay trễ hơn) so với lịch mọc răng vẫn được xem là bình thường. Xin lưu ý là với những trẻ mọc răng sớm, nên đưa cháu đến các phòng khám răng hàm mặt để bác sĩ theo dõi, hướng dẫn vấn đề vệ sinh răng miệng nhằm đảm bảo cho bé có được hàm răng khỏe và đẹp.

Khi đến tuổi thay răng, các chân răng sữa thường tự tiêu ngót sinh lý, sinh ra lung lay. Việc nhổ các răng sữa tương đối đơn giản. Tuy nhiên, để đảm bảo vấn đề vô trùng, phụ huynh nên đưa bé đến các phòng khám răng hàm mặt để nhổ.

Muốn bé có hàm răng đều và đẹp, cha mẹ nên:

- Cho bé khám răng định kỳ 3 tháng/lần tại phòng khám răng hàm mặt.

- Chăm sóc kỹ răng, miệng cho bé tại nhà bằng cách chùi rửa răng hoặc đánh răng sau mỗi khi ăn.

Nguy cơ nhiễm khuẩn từ vòng cắn mọc răng

Cục quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) hôm qua khuyến cáo về nguy cơ nhiễm khuẩn từ một loại vòng nhựa có chứa dịch, chuyên dành cho trẻ cắn lúc ngứa lợi mọc răng. Đây là sản phẩm của hãng The First Years, một thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực đồ dùng cho baby.


Vòng nhựa dành cho trẻ cắn lúc mọc răng ngứa lợi.

FDA cho biết dung dịch có trong chiếc vòng cắn răng đe dọa gây bệnh cho trẻ một khi nó rò rỉ. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ nuốt phải hoặc dịch nhiễm khuẩn thấm qua vết đứt trong miệng. Nguy cơ mắc bệnh lớn nhất ở những bé có hệ miễn dịch yếu do suy dinh dưỡng, ung thư hoặc các sự cố khác.

Loại vòng cắn mọc răng này có mặt rộng rãi ở Mỹ và Canada từ tháng 5/2005 tới 1/2006 tại các điểm bán lẻ, cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc... Cho tới nay, công ty The First Years đã nhận được 105 khiếu nại về tình trạng rò rỉ dung dịch, trong đó có hai trường hợp trẻ cắn thủng cả lớp nhựa bảo vệ. Tháng trước, The First Years buộc phải thu hồi hơn 350.000 sản phẩm. FDA cho biết đang tiến hành kiểm định một số sản phẩm khác của hãng.

Trong khi đó, cha mẹ cần chú ý không mua các sản phẩm cắn răng có tên như sau:

- Disney Days of Hunny Soft Cool

- Disney Soft Cool Ring Teether, style #Y1470

- Disney Soft Cool Ring Teether, style #Y1490

- Sesame Beginnings Chill & Chew Teether, style #Y3095

- Cool Animal Teether, style #Y1473

- Floating Friend Teether, style #Y1474

Cách chăm sóc trẻ mọc răng

Chảy nhiều nước dãi, biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ, sốt nhẹ, lợi sưng đỏ, tiêu chảy... là những phiền toái thường gặp khi trẻ mọc răng. Việc chăm sóc lúc này cần tỉ mỉ hơn ngày thường.

Thường trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ tháng thứ 6, nhưng cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn.

Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Do bị đau và khó chịu, bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí sút cân. Vì vậy, bạn nên vỗ về bé, thay đổi chế độ ăn bằng bột, sữa hoặc cháo loãng.

Nếu bé sốt trên 38, 5 độ, bạn có thể cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn.

Bé cũng có thể đi ngoài phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày, trong vòng khoảng 3-7 ngày. Nếu bé đi ngoài phân sệt nhiều lần nhưng lượng phân và nước ra ít thì không cần bù nước, cứ cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến bác sĩ.

Giữ vệ sinh răng miệng tốt cho bé: Sau khi ăn, nên cho uống một ít nước lọc để súc miệng, rồi lau răng bằng khăn mềm; hoặc đánh răng cho bé. Nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày.

Bé có thể ngứa lợi, thích gặm nhấm, cắn các vật rắn. Do đó bạn nên chọn loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Những đồ chơi vuông thành sắc cạnh rất nguy hiểm vì dễ làm tổn thương lợi và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng của trẻ. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ.

Hãy mang bé đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám.

Nếu trẻ được 12 tháng mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi là bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương. Cần cho trẻ ăn nhiều chất đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.

Lưu ý: Các triệu chứng khi trẻ mọc răng không bao giờ gồm sốt cao, ho, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài. Đó là triệu chứng của bệnh khác, vì vậy bạn cần đưa trẻ đi khám ngay.

Dụng cụ giảm đau khi trẻ mọc răng

Một trong những giai đoạn khó khăn nhất cho cha mẹ là khi trẻ mọc răng. Lợi và những mầm răng mới chồi khiến bé bứt rứt, quấy khóc.
Mẹ có thể tự làm dụng cụ giúp giảm đau mọc răng cho bé như sau:


Bạn may một chiếc tủi bằng vải trắng. Tạo dáng túi cho giống hình một chiếc tất. Nếu không, có thể chọn một chiếc tất màu trắng mới, được giặt sạch, phơi khô bằng chất liệu cotton mềm. Không chọn tất nhuộm màu vì có thể gây độc cho bé.

Thả vài miếng chuối hoặc bất kỳ loại quả thái miếng đông lạnh nào vào tất. Buộc thắt nút phía trên của tất lại. Đặt bé lên ghế cao ngồi ăn dành riêng cho bé. Đưa bé chiếc tất để bé tha hồ gặm. Hơi lạnh từ giúp bé dễ chịu vì nó làm xoa dịu cơn đau mọc răng ở bé.

Vòng ngậm mọc răng được bán sẵn, bạn có thể mua cho con để bé được thỏa mãn nhai, gặm. Sản phẩm có tay cầm, thuận tiện cho bé vui chơi và an toàn để ngậm

Vì sao bé không tăng cân, mọc răng?


Liên tục nhiều tháng con tôi không tăng cân, răng mọc từ lúc 6 ~ 10 tháng được 6 cái nhưng tới nay vẫn không mọc thêm. Đầu đổ mồ hôi liên tục.
Hiện nay bé được 14 tháng, cân nặng được 9kg. Chế độ ăn uống của bé như sau:

Sáng sớm 5h: uống sữa 100ml, 7h: cháo, hủ tiếu, phở, bánh canh..., 9h: váng sữa, bánh ngọt, trái cây..., 10h30: uống sữa 240ml

Ăn trưa 13:30: Cơm nhão với súp thịt, cá, rau cải.... (ăn luôn xác)

Giữa buổi 15:00: Bánh, trái cây. yaour...., chiều 17:30: Cơm nhão thit, cá....
Ngủ 19:30: uống sữa 240ml, 24:00: uống 100ml sữa

Xin bác sĩ tư vấn dùm tình trạng con tôi như thế có vấn đề gì bất thường không và nếu cần điều trị thì nên điều trị như thế nào? Chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Chào chị,

Con chị uống khá nhiều sữa so với nhu cầu: khoảng 680 ml sữa và 2 chế phẩm sữa, nhưng phần ăn chưa ổn vì ăn cơm quá sớm.

Ở tuổi này bé chưa mọc răng hàm đầy đủ nên không nhai cơm được, vì vậy ăn cơm sớm bé sẽ hấp thu kém và chậm lên cân.

Một số phụ huynh lại chan canh thêm vào cơm để bé dễ nuốt, việc này làm cho dịch vị loãng ra và bé không nhai, vì vậy men tiêu hóa tiết ra không đầy đủ làm cho tiêu hóa càng kém hơn.


Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ tăng trưởng tốt. 
Để bé tăng trưởng tốt hơn, chị nên cho cháu ăn mềm như cháo hoặc bún, phở…và uống sữa đầy đủ. Sau bữa ăn cho ăn thêm các thức ăn phụ như trái cây và chế phẩm sữa.

Bữa ăn của bé phải có đầy đủ 4 nhóm thức ăn, và phần dầu mỡ phải nhiều hơn so với người lớn vì nhu cầu chất béo của trẻ nhỏ cao hơn.

Chị nhớ phơi nắng cho bé mỗi ngày để tránh còi xương do thiếu vitamin D, làm ảnh hưởng đến phát triển xương và răng. Nhớ cho cháu ngủ đủ giấc thì cháu sẽ mau lớn hơn chị nhé

Những rắc rối khi mọc răng khôn


Răng khôn mọc lệch không chỉ gây tai biến tại chỗ, mà còn lan toàn thân, thậm chí gây nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.
Nghỉ học suốt một tháng vì đau răng, Ngọc Khánh 22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội té ngửa khi biết rằng nguyên nhân là do chiếc răng khôn mọc lệch hàng. Khánh kể, ngày học cấp 3, rất nhiều lần phải chịu những cơn đau khi chiếc răng khôn hàm dưới bên phải chuẩn bị mọc. Sau nhiều lần lợi sưng, đưa tay sờ thấy chiếc răng khôn cũng nhú ra một góc, chắc mẩm răng mọc đúng vị trí nên thấy nhẹ nhõm cả người.

Hơn hai năm, chiếc răng khôn vẫn y nguyên như thế không "lớn" thêm được tí nào và Khánh cũng không thấy đau nhức gì nữa. Cách đây mấy tháng, nơi chiếc răng khôn mọc dở bỗng dưng phát cơn đau. Lúc đầu là những cơn đau nhẹ kèm theo sưng lợi, ăn uống khó khăn, đưa tay sờ vào thấy có lỗ. Nghĩ rằng sâu răng, Khánh mua thuốc giảm đau uống rồi thuốc bôi sâu răng, chỉ đỡ đau khi thuốc còn tác dụng. Những cơn đau ngày càng dữ dội kéo cả lên đầu, rồi đau toàn thân kèm theo các cơn sốt, Khánh phải nghỉ học.

Hàng xóm, bạn bè mách nhiều cách chữa trị sâu răng, nào là ngậm rượu ngâm rễ cây táo dại, rồi lấy lá đắp,… tất cả đều vô hiệu. Không thể chịu đựng thêm, Khánh đến bác sĩ nha khoa khám mới biết nguyên nhân do mọc răng khôn.

Bác sĩ phân tích, chiếc răng khôn không chỉ mọc lệch hàng mà còn nằm ngang, bề mặt răng đâm thẳng vào chiếc răng cũ để ra một khe trống. Chính vì thế khi sờ vào bệnh nhân thấy có cái lỗ nhầm tưởng đó là lỗ sâu răng.

May mắn hơn Ngọc Khánh, anh Quân ở Tây Hồ, Hà Nội, cũng gặp rắc rối lớn vì chiếc răng khôn mọc lệch, được xử lý sớm nên không phải chịu đau. Bị sâu 2 chiếc răng hàm, anh Quân phải đến nha sĩ nhiều lần nên có kinh nghiệm. Vì thế, mỗi lần răng đau nhức anh lại đi khám. Nguyên nhân gây đau nhức răng lần này không phải từ những chiếc răng sâu mà do răng khôn mọc "dại". Không mọc theo hàng lối, chiếc răng khôn đâm thẳng từ phía cùng hàm chèn những chiếc răng cũ.

Bác sĩ khuyến cáo, may mà phát hiện sớm, kịp thời xử lý, nếu để lâu răng mọc dài hơn sẽ làm vỡ luôn cả chiếc răng bên cạnh sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Nguy hiểm răng khôn mọc lệch

Răng khôn là răng nằm phía trong cùng của hai hàm răng ở người trưởng thành. Bác sĩ Bùi Thị Thu Huyền, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, răng khôn là răng cối lớn thứ ba trong cung hàm. Răng khôn mọc lệch gây các tai biến chiếm tỷ lệ khoảng 20% các bệnh về răng hàm mặt.

Hàm răng của chúng ta thường chỉ đủ chỗ cho 28 răng nhưng trên thực tế mỗi người có tới 32 răng vì mọc thêm 4 răng khôn ở hai hàm. Chính vì không đủ chỗ để mọc một cách bình thường nên những chiếc răng khôn thường tự "mở đường" mọc ngược về phía xương hoặc đâm thẳng về phía chiếc răng hàm đứng kế bên.

Do răng khôn ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ. Lâu ngày gây sâu răng hoặc viêm nhiễm vùng lợi xung quanh dẫn đến sưng, đau, hôi miệng… Bệnh viêm lợi sẽ tái phát nhiều lần nếu răng khôn không được chữa trị, những lần tái phát sau mức độ nguy hiểm càng cao.

Răng khôn khi xuất hiện không những gây nên cảm giác đau đớn khó chịu mà còn có thể còn tiềm ẩn rất nhiều rắc rối và nguy cơ với sức khỏe. Biểu hiện nhẹ nhất là nhiễm trùng, răng bị lợi trùm lên hoặc ngầm trong xương hàm, khiến thức ăn và vi khuẩn dắt vào túi lợi gây viêm quanh chân răng cấp mủ lan cả về phía thực quản, amydal, viêm hạch góc hàm. Về sau viêm trở thành mãn tính lan xuống hầu họng, gây rối loạn tiêu hóa do nuốt mủ.

Hiện nay nhiều người sai lầm khi cho rằng cứ mọc răng khôn là phải nhổ đi. Các bác sĩ nha khoa cho rằng không phải lúc nào cũng nên nhổ. Theo bác sĩ Huyền thì việc điều trị răng khôn mọc lệch giai đoạn sớm không có gì là khó khăn. Sau khi khám lâm sàng và chụp phim X-quang, tùy theo vị trí mọc răng, răng có đủ chỗ hay không đủ chỗ mọc, tuổi của bệnh nhân và sự phát triển của bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng kháng sinh, cắt lợi trùm để khiến cho răng mọc lên dễ dàng, chỉ những trường hợp quá đau đớn hoặc răng gây tai biến mới phải nhổ như  răng khôn mọc xiên vẹo, lệch hàng chèn ép chiếc kế bên…

Bác sĩ Huyền khyến cáo, nếu thấy bất thường thì đến bệnh viện chuyên khoa, điều trị ngay từ đầu. Tuyệt đối tránh tình trạng để bệnh phát triển âm ỉ, lâu dài dẫn đến các tai biến nguy hiểm.

Quả mướp đắng giúp bé mau mọc răng


Con tôi 4 tháng tuồi chưa mọc răng, nhiều người khuyên tôi nên mua trái khổ qua về cho bé cạp cho cứng nướu để dễ mọc răng. Tôi không biết thông tin này có đáng tin cậy hay không thưa bác sĩ?

Trả lời:

Chào bạn! Trong các tài liệu y khoa về chăm sóc bé không có khuyên cho bé cạp trái khổ qua (mướp đắng) để cứng nướu. Để trẻ mọc răng tốt thì điều quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng của bà mẹ khi mang thai phải đủ canxi (vì mầm răng hình thành ngay từ trong bào thai) và chế độ dinh dưỡng của bé đủ canxi.

Ngoài ra, việc tập cho bé nhai, gặm (như cho ăn những mẩu bánh mềm, trái cây nạo) cũng kích thích nướu để trẻ mọc răng. Tuy nhiên, 6 tháng tuổi mới nên cho bé tập ăn dặm vì ăn sớm dễ bị rối loạn tiêu hóa do các men chưa có đầy đủ, dễ bị dị ứng thức ăn.

Khi ăn dặm thì mục tiêu chỉ là để cho bé làm quen với thức ăn đặc, biết ăn nhiều loại thực phẩm, bổ sung chất xơ, chất sắt chứ không phải để cung cấp năng lượng (ăn để no) như người lớn. Nguồn dinh dưỡng chính cho bé vẫn là sữa, vì sữa dễ tiêu hóa hơn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và giúp bé cao.